(Chinhphu.vn) - Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang đầu năm sau. El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25-50%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014-2016.
Các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; thông tin dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên các lưu vực sông do các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp trước vụ sản xuất/tháng/tuần và đột xuất để phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước cho các đối tượng sử dụng nước.
Tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối
Các đơn vị định kỳ kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt trên nguyên tắc ưu tiên cung cấp các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, cây trồng hàng năm và lâu năm..); đặc biệt lưu ý các hồ chứa nước điều tiết nhiều năm phải phân bổ theo đúng chu kỳ điều tiết, tránh phân bổ tập trung gây nguy cơ thiếu nước cho thời gian sau của chu kỳ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tăng cường việc nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, khoan giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích chết hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng.
Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước
Địa phương bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước, các diện tích có nguy cơ không đủ nước cung cấp cho cả vụ cần phải điều chỉnh lịch xuống giống để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.
Đồng thời, tăng cường chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cần ít nước tưới hơn và phù hợp với nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất có cây trồng cùng khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc phân phối, điều tiết nước.
Đặc biệt, đối với cây trồng dài ngày, có giá trị kinh tế cao cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Các địa phương cũng cần tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, ưu tiên đáp ứng nước tưới vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.