TIN TỨC SỰ KIỆN » TIN KINH TẾ XÃ HỘI
Giảm nỗi lo lạm phát, tăng nguy cơ nợ xấu
Cập nhật ngày: 25/09/2014
KTĐT - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 0,4% trong tháng 9, chủ yếu do khu vực giáo dục biến động mạnh. Trong 11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI, có 8 nhóm hàng tăng giá, cao nhất là giáo dục khi tăng tới 6,38% so với tháng trước.
 
Yên tâm hơn với CPI
Đã đi qua 3/4 thời gian của năm, CPI tháng 9 tuy cao hơn các tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước (bình quân từ 2004 - 2013 tăng 0,81%). Do vậy, tính chung sau 9 tháng (tháng 9/2014 so với tháng 12/2013), CPI cũng tăng thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm trước. CPI sau 9 tháng năm nay đã thấp xa so với tốc độ tăng CPI bình quân của cùng kỳ 10 năm trước đây (8,68%).
 
 
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại một cửa hàng thời trang ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Từ diễn biến 9 tháng và lường đoán các yếu tố tác động, có thể dự đoán CPI cả năm 2014 có thể chỉ tăng trên dưới 4%. Con số này được nhận diện dưới 5 góc độ. Ở góc độ thứ nhất là thấp xa so với mục tiêu đề ra. Ở góc độ thứ hai là thấp nhất tính từ năm 2004 đến nay. Ở góc độ thứ ba, năm nay sẽ là năm thứ ba liên tục CPI tăng chậm lại, không còn lặp lại chu kỳ "một năm thấp, hai năm cao" của thời kỳ 2004 - 2011. Ở góc độ thứ tư, đây là niềm vui của các chủ thể trên thị trường, từ người tiêu dùng, người đầu tư sản xuất, kinh doanh, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô. Ở góc độ thứ năm, CPI tăng thấp tạo thời cơ cho các chủ thể trên thị trường. Người tiêu dùng dễ dàng hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, gửi tiết kiệm. Ngân hàng hạ lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, hạ nợ xấu. Các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có thể yên tâm hơn với việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung hơn cho việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tập trung cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của năm 2014, nhằm tới định hướng mục tiêu tăng 6 - 6,2% trong năm 2015 và 6,5 - 7% trong thời kỳ 2016 - 2020 theo Chỉ thị xây dựng kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Vẫn còn những điểm nghẽn
Trong các mục tiêu tổng quát của năm 2014, cho đến thời điểm này, mục tiêu hàng đầu (ổn định kinh tế vĩ mô) đã được cải thiện. Sự cải thiện thể hiện ở nhiều chỉ tiêu. Cán cân thương mại thặng dư (trong 8 tháng rưỡi năm nay, Việt Nam đã xuất siêu hơn 2 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu trên 60 triệu USD, và kế hoạch cả năm nhập siêu 8,7 tỷ USD). Cán cân thanh toán thặng dư khá, dự trữ ngoại hối tăng, đạt ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế. Quan hệ thu/chi ngân sách không quá căng thẳng như năm trước, khi tỷ lệ thực hiện 8 tháng so với dự toán cả năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của thu cao hơn của chi. Mục tiêu thứ hai là kiềm chế lạm phát sẽ vượt. Tuy nhiên, đến nay, thành công cũng chưa trọn vẹn. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược hoặc là còn khó khăn, hoặc là chưa được quan tâm đầy đủ. Ở đây có 3 vấn đề cần được nhận diện khái quát, đó là tăng trưởng tín dụng, nợ xấu và bất động sản.
Tăng trưởng tín dụng cho đến cuối tháng 8 mới chỉ bằng một nửa định hướng 12 - 14% của cả năm, trong khi nếu thực hiện được định hướng thì tốc độ tăng dư nợ tín dụng của thời kỳ 2011 - 2014 cũng chỉ bằng 1/3 của thời kỳ 2006 - 2010, tức là việc giảm tốc độ tăng tín dụng có thể là quá dài, quá liều lượng. Số doanh nghiệp phải ra khỏi cuộc chơi cách đây 3 - 4 năm là có thể hiểu được, nhưng cho đến nay mà vẫn tiếp tục phá sản, ngừng hoạt động với số lượng nhiều hơn cùng kỳ là không bình thường.
Nợ xấu không giảm mà còn tăng. Ngoài nguyên nhân do phải thực hiện quy định mới, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tổng cầu yếu. Việc giải quyết nợ xấu tuy có cố gắng, nhưng vẫn chậm do gặp khó khăn về nhiều mặt, từ nguồn vốn, bán nợ, đấu thầu tài sản bảo đảm, pháp lý...
Bất động sản đóng băng đã khá lâu, chôn vào đây một lượng vốn khổng lồ. Mặc dù đã có nhiều giải pháp để giúp cho thị trường này ấm lên, giải phóng được nợ xấu đang bị đóng băng ở thị trường này, nhưng việc giải quyết vẫn còn chậm... Đã có nhiều dự báo khác nhau về thị trường này. Có dự báo là thị trường đã bắt đầu ấm lên, bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh (nơi nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ vay ngân hàng), lan dần ra Hà Nội và các tỉnh, TP khác do các nơi này phần nhiều là vốn tự có; bắt đầu từ phân khúc bình dân, từ diện tích nhỏ, giá thấp, từ nội đô... Có dự báo thị trường vẫn chưa xuống đáy, nên các nhà đầu tư cần hạ giá bán xuống nữa.

Đức Minh
Các tin khác:
Giới thiệu hệ thống xử lý nước thải Công Ty Cổ Phần Phát Triển Đô Thị Kiên Giang bổ nhiệm thêm PGĐ phụ trách Đối Ngoại CÔNG TRÌNH NHÀ Ở XÃ HỘI KHU LẤN BIỂN TÂY BẮC
ĐỐI TÁC