TIN TỨC SỰ KIỆN » TIN KINH TẾ XÃ HỘI
Người hát rong mù sáng mắt sau ghép giác mạc
Cập nhật ngày: 02/08/2023

TP HCM - Anh Phạm Bá Hồng 36 tuổi, hơn 30 năm mù lòa và có giọng hát giống Đàm Vĩnh Hưng, được nam ca sĩ hỗ trợ ghép giác mạc.

Anh Hồng khiếm thị từ ba tuổi, sau đợt mắc bệnh sởi. Cách duy nhất để hồi phục thị lực là ghép giác mạc. Tuy nhiên hoàn cảnh anh khó khăn, không thể điều trị. Anh làm nghề hát rong và đẩy xe bán hàng tạp hóa kiếm sống, có chất giọng và lối luyến láy giống ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Tháng 11/2022, nam ca sĩ hỗ trợ kinh phí và đưa anh Hồng đến bệnh viện điều trị mắt. Các bác sĩ xác định mắt bệnh nhân bị rung giật nhãn cầu, là trường hợp khó, phải chờ có giác mạc phù hợp để ghép. Tuy nhiên, nguồn hiến giác mạc từ người cho chết não trong nước rất khan hiếm, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi hàng chục năm mới có được giác mạc.

Anh Hồng đến Bệnh viện FV để ghép giác mạc nhập khẩu từ Mỹ. Cuối năm ngoái, anh được GS.BS Donald Tan, nguyên chủ tịch Hội Giác mạc thế giới, mổ ghép giác mạc thành công.

Ngày 1/8, bệnh nhân tái khám. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng Khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, cho biết mắt bệnh nhân có thị lực tốt hơn nhiều so với thời điểm mới mổ xong. Hiện, anh đã nhìn thấy được ở khoảng cách hai mét.

"Bao năm qua thế giới của tôi là màu đen, nay đã có rất nhiều màu sắc, cuộc sống nhiều hy vọng hơn", anh Hồng nói, thêm rằng hạnh phúc khi thực hiện được ước mơ nhìn thấy khuôn mặt của mẹ và vợ con cùng ân nhân giúp anh sáng mắt trở lại.

Bác sĩ Donald Tan (bên phải) khám mắt cho anh Hồng với sự chứng kiến của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Donald Tan (bên phải) khám mắt cho anh Hồng với sự chứng kiến của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (trái). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới mang lại ánh sáng cho người mù mắc bệnh lý giác mạc. Ước tính, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được ghép để tìm lại ánh sáng.

Các bệnh viện Việt Nam đủ năng lực ghép giác mạc, song vấn đề lớn nhất là nguồn giác mạc hiến tặng còn quá ít so với nhu cầu. Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu, có những trường hợp đến lượt có giác mạc thì đã quá muộn vì không thể ghép được nữa. Không ít người phải ra nước ngoài điều trị, chi phí đắt đỏ.

Trong bối cảnh này, bác sĩ Mai cho rằng nhập khẩu giác mạc từ các ngân hàng lưu trữ giác mạc trên thế giới tăng thêm cơ hội ghép cho bệnh nhân trong nước. Chi phí ca ghép khoảng hơn 300 triệu đồng, tùy trường hợp. Dịch vụ này được Bệnh viện FV triển khai từ năm 2016, do GS.BS. Donald Tan phẫu thuật.

Còn anh Hồng hồi phục thị lực vẫn tiếp tục đẩy xe bán hàng rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn. Anh đang gom góp tiền để mở tiệm massage của người khiếm thị nhằm cải thiện thu nhập, mang lại việc làm cho những người thiếu may mắn.

Lê Phương

Các tin khác:
Giới thiệu hệ thống xử lý nước thải Công Ty Cổ Phần Phát Triển Đô Thị Kiên Giang bổ nhiệm thêm PGĐ phụ trách Đối Ngoại CÔNG TRÌNH NHÀ Ở XÃ HỘI KHU LẤN BIỂN TÂY BẮC
ĐỐI TÁC