TIN TỨC SỰ KIỆN » TIN KINH TẾ XÃ HỘI
Nơi cứu hộ động vật hoang dã
Cập nhật ngày: 31/07/2023

(KGO) - Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt công tác tiếp nhận cá thể động vật hoang dã bị tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật hoặc của tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp để chăm sóc, phục hồi sức khỏe, sau đó thả về môi trường tự nhiên.

Đồng chí Nông Thanh Tùng - phụ trách Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me cho biết trạm có diện tích 28.900m2 tại xã Thổ Sơn (Hòn Đất). 6 tháng đầu năm 2023, trạm tiếp nhận 8 loài với 17 cá thể do đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc các hạt kiểm lâm, các cá nhân trên địa bàn tỉnh tự nguyện giao nộp. 

Thực hiện công tác cứu hộ, tái thả và chuyển giao sau cứu hộ về môi trường tự nhiên, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me phối hợp với Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ 12 loài với 56 cá thể.

Rùa răng được Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) chăm sóc.

Để chăm sóc động vật hoang dã có sức khỏe tốt trước khi thả về môi trường tự nhiên, nhân viên của trạm chú trọng công tác kiểm tra, vệ sinh chuồng nuôi nhốt và phân chia khẩu phần thức ăn cho từng loài.

Theo anh Nguyễn Văn Hoàng - phụ trách thú y, chăm sóc động vật hoang dã của Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me, hàng ngày từ 7-8 giờ, nhân viên trạm kiểm tra độ phản xạ, tập tính của các cá thể hiện đang được trạm cứu hộ. Nếu động vật hoang dã có biểu hiện khác thường về tập tính của loài, nhân viên sẽ tách cá thể đó ra khỏi đàn vào khu cách ly, tiếp tục theo dõi biểu hiện, có phương pháp điều trị phù hợp và tái thả vào đàn khi sức khỏe đảm bảo.

Từ 8 đến 11 giờ hàng ngày, nhân viên sẽ vệ sinh các chuồng nuôi nhốt và chia khẩu phần thức ăn của từng loài. Trạm tẩy giun định kỳ khoảng 6 tháng/lần cho tất cả các loài động vật tại trạm. 

Các cá thể sau khi cứu hộ, tiếp nhận từ vụ việc vi phạm hoặc từ tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, nhân viên trạm cách ly các cá thể từ 14 đến 21 ngày để theo dõi sức khỏe. 

Để thực hiện tốt công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã sau khi cứu hộ, tiếp nhận từ tổ chức, cá nhân, nhân viên của trạm có tinh thần trách nhiệm cao và nhiệt huyết với công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã. Niềm vui của nhân viên là thấy từng cá thể động vật hoang dã có sức khỏe tốt, được thả về môi trường tự nhiên. Ngoài ra, theo đồng chí Nông Thanh Tùng, công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã của trạm được tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm hỗ trợ kinh phí, vật chất, giúp động vật hoang dã, trong đó có loài động vật quý hiếm được bảo tồn.

Bài và ảnh: THANH DƯ

Các tin khác:
Giới thiệu hệ thống xử lý nước thải Công Ty Cổ Phần Phát Triển Đô Thị Kiên Giang bổ nhiệm thêm PGĐ phụ trách Đối Ngoại CÔNG TRÌNH NHÀ Ở XÃ HỘI KHU LẤN BIỂN TÂY BẮC
ĐỐI TÁC